Cổng thông tin điện tử Sở Ngoại Vụ tỉnh An Giang    
English | Francais | Khmer

Tìm kiếm :
 
 
 
 
 
Câu chuyện Ngoại giao
Những sách lược đối ngoại khôn khéo (03/08/2015)



Lễ đón lực lượng Đồng minh tại Hà Nội, ngày 25/8/1945. Người áo trắng, đứng giữa là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Ngày 28/1/1941, trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ Hai đang lan rộng, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo, mang theo những nhận định mới về tình hình thế giới và đề ra sách lược đối ngoại cho Cách mạng Việt Nam.

Những năm 1941-1945, Người nỗ lực tìm cách đặt mối liên hệ với Đồng minh để cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam hòa nhập và trở thành một phần trong cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại.


Sách lược Đồng minh


Tác giả David G. Marr (1995) trong cuốn sách của mình Việt Nam năm 1945: Cuộc tranh đoạt chính quyền (Vietnam 1945: The Quest for Power, University of California Press) đã mô tả buổi chiều ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội): Trong thời gian diễn ra Lễ Độc lập thiêng liêng của nhân dân Việt Nam, “hai chiếc máy bay hạng nhẹ P-38 của Mỹ xuất hiện. Chúng sà xuống đám đông trên quảng trường trong một động thái được nhìn nhận, và được tuyên bố ngay là hành động phối hợp của phía Mỹ nhằm chào đón chính quyền mới ở Việt Nam”.


Có thể có nhiều bình luận khác nhau về sự việc này song các tư liệu lịch sử đã khẳng định: Mỹ là lực lượng Đồng minh đã đứng cạnh Việt Minh trong cuộc chiến đấu chống phát xít Nhật, giành độc lập dân tộc. Điều này đã được chuẩn bị trước khi Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng tuyên đọc trước quốc dân Việt Nam và thế giới.


Lực lượng Đồng minh chống Nhật ở gần Việt Nam nhất khi đó là chính quyền Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đang đóng tại Trùng Khánh, bên cạnh và đằng sau họ là Mỹ. Trong chuyến trở lại Trung Quốc, mặc dù có tới 14 tháng bị chính quyền Tưởng ở địa phương giam cầm (từ tháng 8/1942 đến tháng 10/1944 ở Quảng Tây) nhưng sau đó, Hồ Chí Minh đã có các cuộc tiếp xúc và thiết lập được mối quan hệ với các lực lượng chống Nhật ở phía Nam Trung Quốc. Tướng Trương Phát Khuê - Tư lệnh Đệ tứ chiến khu, chỉ huy quân Tưởng ở hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, ghi nhận uy tín và đóng góp của Hồ Chí Minh trong việc liên kết những lực lượng quốc tế chống phát-xít đang có mặt trên địa bàn của ông ta.


Mặc dù vậy, Hồ Chí Minh không hề có ảo tưởng về “thiện chí” của chính phủ Trùng Khánh với Việt Nam. Nhiều lần, Người chỉ rõ điều này với các cán bộ của mình về những âm mưu, nguy cơ của kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”, cũng như những biện pháp có thể đối phó với kế hoạch đó. Trong sách lược với Trung Hoa, Hồ Chí Minh nói rõ (với Lê Tùng Sơn): “Không nên ảo tưởng với Tưởng Giới Thạch, nhưng phải lấy Trung Quốc làm cái cầu để tranh thủ các nước Đồng minh” (trích Hồ Chí Minh - chiến sĩ cách mạng quốc tế, Nxb QĐND, 2000).

Sau khi Mỹ chính thức tham gia cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, quân đoàn không quân số 14 của Mỹ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở vùng Hoa Nam (Trung Quốc) và Bắc Đông Dương. Cơ quan tình báo Mỹ cũng nỗ lực xúc tiến các hoạt động thâm nhập Đông Dương để thu thập tin tức và tuyển mộ điệp viên. Trong nhãn quan địa - chính trị của các nhà phân tích chiến lược Mỹ khi đó, Đông Dương được đánh giá chính là khâu yếu để Mỹ có thể phá vỡ độc quyền hệ thống thuộc địa của các nước thực dân châu Âu ở Đông Nam Á, giành ảnh hưởng với Anh, Pháp và các nước tư bản châu Âu khác ở Viễn Đông sau chiến tranh.


Xác lập vị thế thành công


Sau sự kiện trung úy phi công R. Shaw nhảy dù xuống vùng núi Cao Bằng khi máy bay bị rơi, được Việt Minh cứu thoát và đưa trở lại Côn Minh ngày 2/11/1944, những tiếp xúc của Hồ Chí Minh với lực lượng Mỹ được thiết lập. Ngày 29/3/1945, Hồ Chí Minh gặp tướng C. Chenault - Tư lệnh Quân đoàn không quân số 14 (Mỹ) và hai người đã có những mối thiện cảm. Hồ Chí Minh cũng đã làm cho người Mỹ hiểu hơn về Việt Minh và cuộc đấu tranh giành độc lập của người Việt Nam. Tướng Chenault đã tuyên bố ủng hộ mọi hoạt động chống Nhật của các tổ chức, không phân biệt khuynh hướng chính trị của họ. Ông đã viết trong một báo cáo gửi đến tướng Albert C. Wademayer - Tư lệnh lực lượng Mỹ tại mặt trận Trung Quốc: “Tôi nhiệt liệt ủng hộ việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với bất kỳ tổ chức nào tại Đông Dương thuộc Pháp giúp đỡ một cách có hiệu quả việc giải thoát lính Mỹ, có thể yêu cầu sự trợ giúp tại nước đó, bất chấp thái độ chính trị” (trích OSS và Hồ Chí Minh - Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến đấu chống phát xít Nhật, Nxb Thế giới, 2007). Sau đó, người Mỹ bắt đầu coi Việt Minh như một lực lượng đồng minh chống Nhật tích cực và có thể phối hợp với mọi nỗ lực cần thiết.


Mặc dù việc hợp tác với Việt Minh khiến đồng minh Pháp của Mỹ không “vừa ý” nhưng đại úy A. Patti - phụ trách SI (tình báo) của Tổ đặc trách Đông Dương và sau này là chỉ huy của OSS tại Đông Dương - trong tháng 5/1945, đã đánh giá: “đây (Việt Minh - N.V.A) là thành phần quan trọng nhất, được ủng hộ rộng rãi nhất từ nhân dân Việt Nam”. Cần nói thêm rằng A. Patti viết điều này khi đã biết rõ về lực lượng to lớn cũng như những ảnh hưởng rộng rãi ở trong nước và khuynh hướng chính trị của Việt Minh: “họ theo chủ nghĩa Mác” nhưng “mối quan tâm trực tiếp của họ là đánh đuổi Nhật” (trích OSS và Hồ Chí Minh - Đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến đấu chống phát xít Nhật, Nxb Thế giới, 2007).


Sau những cuộc tiếp xúc đó, một số đội du kích của Việt Minh ở Cao Bằng đã nhận được những sự hỗ trợ về vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc và được một số chuyên gia của Đồng minh huấn luyện quân sự. Những hoạt động thu thập tin tức tình báo chống Nhật, mở rộng mạng lưới tìm kiếm và cứu nạn phi công Mỹ của OSS lúc này đều nằm trong vùng căn cứ của Việt Minh. Phạm vi của những hoạt động này đã được mở rộng từ Cao Bằng, Hà Giang tới các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Cạn, Lạng Sơn và Thái Nguyên.


Cho đến đầu tháng 5/1945, hai sĩ quan OSS đã có thể đều đặn gửi báo cáo về từ Tân Trào (Tuyên Quang) và người Mỹ càng ngày càng đánh giá cao vai trò của Hồ Chí Minh, vai trò của Việt Minh - tổ chức của những người Việt Nam đang đấu tranh cho độc lập dân tộc mình. Ngày 17/7/1945, một đội tình báo Mỹ gồm năm người, mang biệt danh “Con nai”, do thiếu tá A. Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống Tân Trào. Họ triển khai huấn luyện các kỹ năng quân sự cho 40 người được chọn trong số khoảng 100 quân du kích của chỉ huy Đàm Quang Trung. Đầu tháng 8/1945, trung đội Bộ đội Việt - Mỹ (tên đặt chính thức của Hồ Chí Minh) đã được thành lập. Ngày 20/8/1945, trung đội này đã cùng chiến đấu với đơn vị Việt Nam giải phóng quân tiến công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp.


Việc hỗ trợ trang bị và huấn luyện chiến đấu cho một lực lượng du kích trên dưới 100 người địa phương trong vùng núi rừng Việt Bắc không giữ vai trò đáng kể về mặt quân sự trong việc kết thúc chiến tranh với Nhật ở Đông Dương. Người Mỹ biết rõ điều đó. Hồ Chí Minh cũng biết rõ điều đó. Điều quan trọng hơn của những mối quan hệ với lực lượng Mỹ mà Hồ Chí Minh chủ trương thiết lập chính là tăng thêm lực lượng ngoại giao, uy thế chính trị của Việt Minh để giành độc lập cho dân tộc và tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này.


Những bài học về sự vận dụng sách lược đối ngoại khôn khéo, sáng tạo trên cơ sở luôn kiên định mục tiêu chiến lược trong cuộc vận động giải phóng dân tộc những năm 1941 - 1945 để đi đến thắng lợi cuối cùng Tháng Tám 1945 cho đến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa./.


“Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hoà của mình. Lòng dũng cảm và tinh thần hy sinh đã gắn bó ý chí của mọi người Việt Nam từ Bắc chí Nam thành một khối sức mạnh, bất kỳ nguồn gốc họ ở đâu, theo tôn giáo hay thuộc giai tầng xã hội nào”. trích Diễn văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam DCCH (2/9/1946) ở Paris, Pháp.


Diệu Huệ (Sưu tầm)
Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam