Cổng thông tin điện tử Sở Ngoại Vụ tỉnh An Giang    
English | Francais | Khmer

Tìm kiếm :
 
 
 
 
 
Việt Nam
Úc – đối tác tiềm năng của các nhà xuất khẩu hàng nông thủy sản Việt Nam (15/06/2015)

Tiềm năng thị trường Úc


Thị trường Úc là một thị trường nhập khẩu đầy tiềm năng. Úc là một đất nước vô cùng rộng lớn với diện tích trên 7,6 triệu km2 đứng thứ 6 trên thế giới, xấp xỉ diện tích nước Mỹ nhưng dân số thì ít ỏi chỉ có 23 triệu dân. Tuy dân số nhỏ như vậy nhưng Úc lại là một thị trường có kim ngạch nhập khẩu hàng hoá hơn 241 tỷ USD, và kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 262 tỷ USD trong năm 2013, một con số rất ấn tượng.

Với tiềm năng thị trường to lớn như vậy nhưng cho đến nay Trung Quốc mới là đối tác thương mại lớn nhất của Australia với 20% giá trị hàng nhập khẩu vào Australia có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi đó, 36% hàng xuất khẩu của Australia được xuất đi thị trường Trung Quốc. Giá trị thương mại song phương năm 2013 đạt khoảng 130 tỷ USD. Hiệp định thương mại tự do song phương được ký đã chính thức mở đường cho hơn 100 mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước được miễn thuế; khoảng 85% hàng hoá của Australia xuất khẩu sang Trung Quốc được miễn thuế hoàn toàn, các sản phẩm xuất khẩu khác sẽ lần lượt được giảm và miễn thuế trong vòng 10 năm tiếp theo. Trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam mới chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 2,2 tỷ USD mỗi năm. Cho nên rất cần chất xúc tác từ chính phủ hai nước, các cơ quan thương vụ của Việt Nam tại Úc cũng như doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong nước sang thị trường tiềm năng này.


Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước
Thị trường Úc mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài do phụ thuộc nhiều vào hàng hoá nhập khẩu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Thị trường Úc tương đối mở, với việc không áp dụng hạn ngạch nhập khẩu và hầu hết thuế nhập khẩu là 5% (mức thuế chung) và 0% cho các nước kém phát triển. Theo Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do giữa ASEAN và Úc, Niu-di-lân (AANZFTA) thì khoảng 96% thuế quan của Úc được loại bỏ vào năm 2010, phần còn lại sẽ được thực hiện nốt vào năm 2020 đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU đang gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế thế giới, thì việc giảm rào cản cũng như thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Úc, New Zealand thông qua thực hiện Hiệp định AANZFTA đã và đang góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu đối với hàng hóa Việt Nam.


Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc trong năm 2014

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc đạt 3,99 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2013.


Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc đạt 2,06 tỷ USD, tăng 29,7% so với năm 2013. Việt Nam tiếp tục xuất siêu 1,93 tỷ USD. Thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Australia cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia từ 3,3 tỷ USD năm 2009 đã tăng gần 2 lần vào năm 2014 với giá trị đạt hơn 6 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK của Việt Nam đạt 3,99 tỷ USD và NK đạt 2,06 tỷ USD.


Thuận lợi


Theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Australia, danh mục hàng hóa xuất khẩu vào Australia tương đối đa dạng. Một số mặt hàng thâm nhập thị trường khá thuận lợi nhờ nhu cầu tiêu dùng tốt. Điển hình là hàng thủy sản. Hiện mặt hàng thủy sản Việt Nam đang XK nhiều nhất sang Australia là tôm, chiếm 59% giá trị XK của thủy sản của Việt Nam sang thị trường này, trong đó tôm đông lạnh chiếm gần 25%. Trên thị trường tôm của Australia, Việt Nam đang chiếm 30% thị phần, chỉ sau Trung Quốc 35%. Song, đối với sản phẩm tôm chế biến, Việt Nam đang dẫn đầu.


Ngoài ra, mới đây, Bộ Nông nghiệp Australia vừa có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam kể từ ngày 18/4/2015. Thương vụ Việt Nam tại Australia nhận định, việc đưa trái vải thành công vào thị trường Australia sẽ đồng thời mở ra cơ hội mới cho một số loại trái cây khác như thanh long, nhãn, xoài…

 
Giá vải xuất đi Mỹ, Úc cao hơn 20% giá thị trường. Nguồn: Báo Tuổi trẻ

Nhu cầu các mặt hàng của thị trường Australia đều rất lớn. Mỗi năm, Australia NK khoảng 80 tỉ USD, tuy nhiên kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này mới chỉ đạt gần 4 tỉ USD. Do vậy, dung lượng thị trường còn rất lớn, nếu DN nỗ lực thực hiện công tác xúc tiến thị trường, tìm kiếm cơ hội thì kim ngạch XK vào thị trường Australia còn tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, đây là thị trường yêu cầu cao về chất lượng. Đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm, Australia áp dụng quy định “Lệnh giữ hàng” để xử lý các lô hàng không đạt yêu cầu về chất lượng hoặc yêu cầu về đóng gói, bao bì, ký mã hiệu. Khi DN nào đã bị áp dụng lệnh giữ hàng, các lô hàng tiếp theo sẽ không được phép NK vào thị trường hoặc phải chịu kiểm tra chặt chẽ trong 5 chuyến sau đó nếu vi phạm lần đầu và là vi phạm các lỗi nhỏ thuộc về nhãn mác, bao bì. Do vậy, muốn đẩy mạnh XK sang thị trường này các DN XK  thực phẩm nên chú ý đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường.


Khó khăn


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan trên, chúng ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Úc và New Zealand như:


- Nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc nắm bắt thông tin thị trường và hiểu biết tập quán, thị hiếu của người tiêu dùng.

- Khó khăn về rào cản kỹ thuật bởi hàng rào phi thuế quan của Úc và New Zealand khá chặt chẽ.


- Khó khăn về chi phí do đầu tư cải tiến nhiều khâu từ thiết kế, kỹ thuật, bảo quản, vận chuyển, quản lý chất lượng... làm gia tăng chi phí sản xuất.


Vấn đề hiện nay là các qui định nghiêm ngặt của Úc về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học. Hàng thuỷ sản của Việt Nam vẫn còn vài trường hợp dư lượng kháng sinh và dư lượng thuốc diệt nấm bị phát hiện và điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam nếu không loại trừ triệt để. Các trường hợp vi phạm do Bộ Nông nghiệp kiểm tra và phát hiện sẽ bị thông báo rộng rãi trên trang web của Chính phủ bao gồm cả tên nhà cung cấp và nước cung cấp. Ngoài ra, gần đây Úc phát hiện thuỷ sản Việt Nam bị bơm nước và tạp chất. Vấn đề này sẽ huỷ hoại hình ảnh của Việt Nam. Nó làm giảm giá trị và chất lượng của sản phẩm và tồi tệ nhất là thuỷ sản Việt Nam bị giảm giá trên thị trường. 


Định hướng trong thời gian tới


Quan hệ giữa Việt Nam với Úc là quan hệ đối tác toàn diện (từ năm 2009). Hai bên đã ký thoả thuận chương trình hành động (Action Plan) nhằm thực hiện mục tiêu trên. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc – Niu-di-lân (AANZFTA) đã có hiệu lực từ 1/1/2010. Hai nước đều đang là thành viên tham gia đàm phán TPP, RCEP. Nếu TPP và RCEP được ký kết thì sẽ là cú hích quan trọng để đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt Nam và Úc.
 
Việt Nam và Úc là hai nền kinh tế, nhìn chung, mang tính chất bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh với nhau. Úc có nhu cầu nhập khẩu lớn về các mặt hàng (đa phần là các mặt hàng sử dụng nhiều lao động) mà ta có thế mạnh xuất khẩu như may mặc, da giày, đồ gỗ, hạt điều, thuỷ sản… Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu lớn về một số mặt hàng như lúa mỳ, bông, sữa, gỗ nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng… và trong những năm tới có thể sẽ là than, khí đốt hoá lỏng mà những mặt hàng này là thế mạnh của Úc.
Do vậy, nếu chúng ta tháo gỡ được các rào cản thương mại cho doanh nghiệp đồng thời với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thông tin tuyền truyền… sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Úc có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt cần chú trọng vào các mảng công tác sau:
  Công tác về chính sách, tháo gỡ các rào cản;
  Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;
  Công tác thông tin và truyền thông;

  Công tác vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Úc.


Gợi ý cho doanh nghiệp An Giang


Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Úc – Niu-di-lân (AANZFTA) đã có hiệu lực từ năm 2010. Các doanh nghiệp để tận dụng mức giảm thuế trong AANZFTA cần phải nắm chắc quy tắc xuất xứ (ROO) và thủ tục xin cấp giấy chứng nhận để hưởng ưu đãi.
Ngoài ra, đối với thị trường Úc họ đòi rất cao các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc hàng hóa, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí đó, gây mất uy tín một lần thì những lần sau nhập khẩu vào sẽ bị kiểm tra rất kỹ và khó khăn. Ví dụ đối với hàng thực phẩm, Bộ Nông nghiệp Úc kiểm soát và xác định nguy cơ cao hoặc trung bình của thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng. Thực phẩm vi phạm sẽ không được phép bán tại Úc, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Úc. Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định. Đối với hàng thực phẩm khác, các cơ quan chức năng cũng kiểm tra ngẫu nhiên 5% các lô hàng thực phẩm nhập khẩu theo tiêu chuẩn Úc – Niu-di-lân (Australia New Zealand standard Code). Trong năm 2013, Việt Nam có 26 trường hợp vi phạm, và trong 9 tháng đầu năm 2014 đã có 26 trường hợp vi phạm. Nếu không có biện pháp khắc phục sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh hàng hoá của Việt Nam.

Ngoài việc tận dụng triệt để các mức ưu đãi thuế quan từ FTA, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm…, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tìm hiểu kỹ kênh phân phối tại Úc để khi hàng hóa đưa vào sẽ được lưu thông thuận lợi. Tính thời vụ của sản phẩm cũng phải được xem xét kỹ lưỡng (doanh nghiệp cần lưu ý Úc nằm ở Nam bán cầu, nên có mùa ngược với Việt Nam), hay tính thích nghi với môi trường khí hậu của nước sở tại cũng là một vấn đề cần quan tâm để sản phẩm đảm bảo được chất lượng với thời gian và sự thay đổi của khí hậu tại Úc.


Kết luận


Việt Nam hiện là một trong ba nhà nhà cung cấp hải sản lớn nhất cho thị trường Úc nên chắc chắn sẽ tăng được thị phần nếu có cách tiếp cận và bước đi phù hợp. Giải pháp ưu việt nhất là đưa hàng có chất lượng cao và xuất xứ tốt của sản phẩm và xây dựng hình ảnh sản phẩm của Việt Nam không kém hơn các sản phẩm của Úc. Điều này hoàn toàn có thể. Xuất xứ tốt của sản phẩm (không phải giá thấp) nên là trọng tâm chính cần hướng tới. An toàn thực phẩm, môi trường bền vững, đãi ngộ lao động, tất cả được minh chứng bằng một giấy xác nhận độc lập sẽ là con đường chúng ta phải đi. Nếu có thể, xây dựng vài câu chuyện về xuất xứ của các sản phẩm địa phương gắn với con người ở đấy. Nên nhớ “Người Úc muốn mua toàn bộ câu chuyện, không chỉ mỗi thức ăn”. Muốn thực sự hiểu thị trường, các nhà cung cấp nên đi thăm và dành thời gian để hiểu người tiêu dùng nghĩ gì và tìm giải pháp phù hợp cho hệ thống bán buôn và bán lẻ. Thiếu các kiến thức này, các nhà cung cấp sẽ gặp khó khăn trong chuỗi cung ứng. Nhưng thành công thực sự cho Việt Nam sẽ là việc cung cấp các sản phẩm đổi mới có giá trị gia tăng cao hơn là chỉ đơn giản cung cấp các nguyên liệu thô và chủng loại hàng rẻ tiền. Việc này sẽ giúp nâng tầm thương hiệu Việt Nam, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức về việc Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm rẻ tiền mà người Úc thường quan niệm hàng rẻ tiền là hàng có chất lượng không tốt.


Hoa Ngọc (tổng hợp)


Phụ lục

Số liệu xuất khẩu hàng hóa sang Úc trong 2014

Đơn vị: USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Mặt hàng

Năm 2013

Năm 2014

Tăng/giảm (%)

Kim ngạch xuất khẩu

3.509.422.533

3.990.144.154

13,7

Dầu thô

1.644.000.472

1.853.410.844

12,7

Điện thoại các loại và linh kiện

460.473.180

438.184.956

-4,8

Hàng thủy sản

189.512.767

228.812.361

20,7

Gỗ và sản phẩm gỗ

128.685.031

157.726.674

22,6

Giày dép các loại

108.830.716

142.115.319

30,6

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

161.366.603

137.422.433

-14,8

Hàng dệt, may

90.187.779

132.262.015

46,7

Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác

101.178.127

129.404.174

27,9

Hạt điều

97.049.979

109.231.975

12,6

Phương tiện vận tải và phụ tùng

56.331.053

93.798.479

66,5

Sản phẩm từ sắt thép

66.144.420

50.390.025

-23,8

Sản phẩm từ chất dẻo

36.077.470

40.580.375

12,5

Kim loại thường khác và sản phẩm

28781413.44

37.290.949

29,6

Sắt thép các loại

16734461.49

36.983.303

121,0

Túi xách, ví,vali, mũ, ô, dù

21.334.778

29.736.090

39,4

Cà phê

28.415.940

29.374.563

3,4

Giấy và các sản phẩm từ giấy

23.348.381

26.162.696

12,1

Clanhke và xi măng

-

20.614.597

-

Đá quý, kim loại quý và sản phẩm

17.838.358

19.211.529

7,7

Hạt tiêu

12.470.404

19.013.405

52,5

Hàng rau quả

15.993.508

17.419.936

8,9

Sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ

-

17.040.657

-

Sản phẩm từ cao su

12.169.247

13.405.110

10,2

Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận

-

13.004.266

-

Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc

10.455.450

12.987.339

24,2

Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày

9.702.942

12.800.925

31,9

Sản phẩm hóa chất

10.270.227

12.265.996

19,4

Sản phẩm gốm, sứ

12.889.439

11.242.537

-12,8

Sản phẩm mây, tre, cói và thảm

9.888.881

10.450.856

5,7

Dây điện và dây cáp điện

4.813.740

8.684.033

80,4

Gạo

4.561.100

5.102.247

11,9

Chất dẻo nguyên liệu

4.915.038

4.829.383

-1,7

Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện

-

856.305

-

 

Nguồn:

  1. http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/3991/kim-ngach-xuat-nhap-khau-giua-viet-nam-va-uc-tiep-tuc-tang-truong-trong-8-thang-dau-nam-2014.aspx
  2. http://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/ViewDetails.aspx?ID=806&Category=Tin%20v%E1%BA%AFn%20th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA&Group=ph%C3%A2n%20t%C3%ADch
  3. http://www.vinacas.com.vn/index.php?route=common/news/details&news_id=502
  4. http://vnciem.gov.vn/home/detail.php?iCat=24&iData=32667&module=news&page=
  5. http://tvnn.vn/47/-/journal_content/56_INSTANCE_Y7rZ/10157/109988;jsessionid=4CA479CD013BBC18B0D0D121079CB5BC?refererPlid=10450
  6. http://www.ipsi.org.vn/TinTucChiTiet.aspx?nId=1128&nCate=7
  7. http://www.lefaso.org.vn/ClickToPrint.aspx?ID1=1&ID8=2891
  8. http://vtc.vn/dung-do-o-bien-dong-australia-se-dung-ve-my-hay-trung-quoc.311.555284.htm