Cổng thông tin điện tử Sở Ngoại Vụ tỉnh An Giang    
English | Francais | Khmer

Tìm kiếm :
 
 
 
 
 
Câu chuyện Ngoại giao
Ngoại giao “phở” tại xứ sở của phở (06/08/2015)

Trong ngoại giao có rất nhiều mưu kế: bóng bàn, gấu trúc, âm nhạc kể cả bom nguyên tử. Và gần đây có cả ngoại giao “phở” tại Hà Nội. Bom đạn chỉ dọa được ai nhát gan. Nhưng dùng kế “văn hóa” như âm nhạc hay cả bát phở nhẹ nhàng lại rất thành công trong các mối bang giao.



Từ ngoại giao "bóng bàn" và "gấu trúc"...


Năm 1971, khi Hoa Kỳ và Trung Quốc muốn đặt quan hệ ngoại giao nhưng chưa biết làm thế nào đánh tiếng cho nhau. Thật bất ngờ, hai đoàn bóng bàn Mỹ - Trung lại gặp nhau ở Nagoya (Nhật Bản).

Đám vận động viên trẻ “tự" bắt chuyện với nhau. Hai nước đang tìm một trung gian thì có cơ hội ngàn vàng này. Người Trung Hoa không bỏ lỡ và đoàn bóng bàn Mỹ được mời đến Bắc kinh để thi đấu giao hữu.

Sau này, đôi lúc hai nước gặp khó khăn trong quan hệ, người Trung Hoa gửi cả gấu trúc sang Mỹ để "hoà giải". Trên thế giới người ta có có khái niệm ngoại giao “bóng bàn” hay “gấu trúc” là vì thế.


Đến "kế dùng piano phá bom nguyên tử"


Người Mỹ thuyết phục Bắc Triều tiên từ bỏ chương trình hạt nhân mãi không được. Thời Bill Clinton tưởng như đã giải quyết gần xong. Nhưng sau vụ nước Mỹ bị tấn công 11-9, Tổng thống Bush liệt Bắc Triều tiên vào nhóm nước nguy hiểm.


Thỉnh thoảng, Bắc Triều Tiên lại thử một quả tên lửa bay qua nước Nhật, rồi tuyên bố có vũ khí hạt nhân làm cả thế giới hoảng hồn. Các nước khác cũng đua nhau "doạ dẫm", rồi thử dùng viện trợ nhử nhưng không mấy kết quả. Bắc Triều tiên dùng kế ngoại giao nguyên tử để đàm phán trên thế mạnh.


Chính quyền Bush cũng lúng túng. Chiến tranh với Iraq còn chưa giải quyết xong, rồi còn Iran đang làm bom nguyên tử... Cuối cùng, ông Bush gửi Dàn nhạc giao hưởng đi Bình Nhưỡng hòng thay đổi thái độ của Bắc Triều tiên về vấn đề hạt nhân.

Không hiểu kết quả chuyến đi một ngày của đoàn nhạc công đến từ New York như thế nào mà gần đây Bắc Triều tiên đã tuyên bố phá huỷ một lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon. Thế giới có thêm khái niệm mưu kế ngoại giao dùng piano để phá bom nguyên tử.


Và "ngoại giao Phở" ở Hà Nội


Ở Hà Nội, chúng ta bàn tán đến ngoại giao “phở". Mấy tháng trước, không hiểu duyên cớ nào mà Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Úc lại có hứng vào quán Phở 24 để tự làm một tô phở rồi thưởng thức làm dân Hà thành được dịp ngạc nhiên đến thú vị.  
Về phở ngon như thế nào, xin giới thiệu bạn đọc tìm sách của Thạch Lam, Tô Hoài hay Nguyễn Tuân để tham khảo. Dám chắc, bạn đọc xong dù không muốn ăn phở cũng phải đi tìm bằng được để thử.

Nào là, vào một sáng mùa thu lành lạnh, bạn sà váo quán phở. Thấy ông chủ cởi trần trùng trục bên nồi nước dùng trong vắt sôi sùng sục, thịt bò thăn thái mỏng nhúng qua, bánh phở mềm và thêm chút hành. Chao ơi, chỉ cần hít hơi cũng thấy ngon rồi.  


Tôi cũng đã thử Phở 24 ở Sydney, Jakarta và Hà Nội. Thử cả Phở 75 bên Washington DC rồi phở Hà Tây ở Eden (Virginia, Hoa Kỳ) kể cả phở bò không tên ở Dili (Đông Timor). Thú thật, tôi thấy các loại phở đó đã Tây hoá nhiều để cho hợp với gu của dân bản địa, không thể so được với phở Hà Nội.


Dân ta đi nước nào cũng tìm phở. Hễ đến thành phố bạn là chân ướt chân ráo đi tìm địa chỉ phở. Có đoàn cán bộ của Việt Nam sang New York công tác. Mấy anh chị trong  Sứ quán ta tại Washington DC chở nồi niêu xoong chảo vào khách sạn 5 sao để nấu phở cho các vị khách bị jetlag (trái giờ). Bát phở ở phương trời xa cũng giúp xóa đi nỗi mệt nhọc sau chuyến bay dài mấy chục tiếng.


Dân Tây cũng không kém. Lần nào anh bạn sang Việt Nam cũng bắt tôi đèo xe máy đi ăn phở cả ba bữa sáng, trưa, chiều. Không hiểu buổi tối anh ấy có ra quán phở một mình không. Ông sếp từ Washington DC sang vài ngày cũng đòi đi ăn phở hai lần dù lịch làm việc kín đặc. Ông mê Hà Nội vì buổi tối êm đềm và có chỗ đi dạo được. Ông chỉ sợ việc băng qua đường để vào...quán phở.


Quay lại chuyện ông Smith làm phở. Không rõ ông Bộ trưởng định gửi một thông điệp nào cho dân Hà Nội. Việt Nam và Úc đã có quan hệ ngoại giao nên màn nấu phở của ông không liên quan gì đến mối bang giao. Có thể, ông Smith thích món này và muốn ca ngợi “quốc hồn quốc tuý” của ta. Rất lạ, người xứ Kanguroo sang marketing cho phở Việt Nam.


Nhưng ông Smith thú nhận "đây là câu chuyện về sự hợp tác thành công giữa Việt Nam và Úc. Úc giúp Việt Nam trong giáo dục và đào tạo. Sự thành công của doanh nghiệp (Phở 24) này cho thấy hiệu quả hợp tác đó". Hóa ra ông tuyên truyền cho phở 24 của anh chàng Việt kiều Úc và nền giáo dục đào tạo của nước ông. Có thể còn nhiều thông điệp ngầm trong tô phở nóng sốt của ông gửi cho nhân dân ta và kể cả lãnh đạo Việt Nam mà tôi thì chịu không đoán ra.


Ông rất hiểu thành ngữ của Việt Nam "muốn ăn thì lăn vào bếp". Nếu không tự tay làm lấy thì khó thuyết phục với ai rằng làm ra bát phở ngon là một nghệ thuật. Để nâng phở lên tầm ẩm thực quốc tế thì người lãnh đạo cao cấp cần hiểu biết một chút mới có thể tạo ra động lực cho sự phát triển.


Cái món phở "vừa thổi vừa húp" đối với dân ta quen quá. Nhưng với khách du lịch hay người phương xa tới Hà Nội lại thuộc vào loại "văn hoá ẩm thực". Đã thuộc vào đẳng cấp thì giá có đắt một chút người ta vẫn thích. Một bí mật nho nhỏ ấy mà ít người trong kinh doanh ăn uống hiểu ra. Dân ta lại thích cái gì cũng "tây tây" như cafe, kem cốc, bánh mỳ kẹp thịt hay bar rượu trong khi Tây sang Việt Nam chỉ thích đồ "ta ta" như phở, bún hay nem rán.


Một "tâm hồn Phở" Hà Nội bị lãng quên?
 

Chợt nghĩ, có những thứ như bát phở mình ăn hàng ngày nhưng ta lại thờ ơ và đôi lúc chê bai là đồ "local" (địa phương). Để rồi một hôm nào đó anh chàng Việt kiều từ nước Úc xa xôi quay về và làm ra một thương hiệu phở quốc tế thì những ông Phở Thìn hay Yết Kiêu mới giật mình.


Chợt nhớ đến bài thơ của ai đó "Có bao giờ trên đường đời tấp nập//Ta vô tình đã đi lướt qua nhau//Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất//Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu".


Một “tâm hồn phở” Hà Nội đang bị “vô tình” sang tên cho một kiều dân Úc. Hương vị phở 75 cực kỳ nổi tiếng ở thủ đô Hoa Kỳ. Thiết nghĩ, còn nhiều thương hiệu khác quanh ta cũng đang mất dần vào những doanh nhân láu cá nước ngoài. Cuối cùng, dân ta trả tiền để mua bản quyền của chính dân tộc mình. Đáng lẽ ra, người có bản quyền phải được "ngồi mát ăn bát vàng".


Chuyện ngoại giao “phở” của ông Smith đạt đẳng cấp quốc tế về marketing dịch vụ của người Úc. Ông đến quê hương của phở để nấu phở cho dân Hà Nội thưởng thức. Ước mong các nhà ngoại giao đi xứ người, ngoài những sứ mệnh ngoại giao quan trọng, trong cặp có thêm những tri thức giầu có về văn hóa và marketing như ông Smith đã làm tại Hà Nội.


Diệu Huệ (sưu tầm) – nguồn: http://tgvn.com.vn