(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Chuyển đổi số là cơ hội để An Giang bứt phá, vươn lên. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định, Chương trình chuyển đổi số là một trong 6 chương trình trọng điểm thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung 3 trụ cột chính về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Ảnh - Cổng TTĐT tỉnh
Hiện thực hóa nghị quyết
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 gồm 15 chỉ tiêu, với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tập trung 3 trụ cột chính về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện, cùng 53 dự án, nhiệm vụ, với kinh phí thực hiện hơn 389 tỷ đồng. Qua 2 năm triển khai, chương trình chuyển đổi số của tỉnh đạt một số kết quả nổi bật. Cụ thể, có 18 dự án/nhiệm vụ về công nghệ thông tin và chuyển đổi số được triển khai, với tổng kinh phí gần 56,85 tỷ đồng; 11/15 chỉ tiêu đạt mục tiêu của chương trình đề ra. Trong đó, phát triển kinh tế số ước 7,18% GRDP (chỉ tiêu đến năm 2025 là 10% GRDP).
Khai trương Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh checkinangiang trên thiết bị di động
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024 “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, An Giang phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số hoạt động trên địa bàn tỉnh; 60% DN tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất - kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải; 40% người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, phấn đấu hoàn thành triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu, cụ thể: 25 dịch vụ công theo Đề án 06/CP và 28 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định 422/QĐ-TTg, ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, kết nối toàn diện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC). 100% khu vực lõm sóng trên địa bàn tỉnh được phủ sóng băng rộng di động. Triển khai sử dụng hiệu quả nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ, nền tảng giám định sinh vật gây hại cho cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả cụ thể
Cuối tháng 03/2024, UBND tỉnh đã khai trương Cổng thông tin du lịch (DL) thông minh checkinangiang.vn và Ứng dụng DL thông minh checkinangiang trên thiết bị di động. Sự kiện đánh dấu bước phát triển từ DL truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thành ngành DL thông minh, thuận tiện, hiệu quả, phục vụ du khách, người dân và DN. Cổng thông tin DL thông minh An Giang có địa chỉ https://checkinangiang.vn và Ứng dụng DL thông minh An Giang checkinangiang được triển khai, hỗ trợ trên hệ điều hành Android và iOS. Trong đó, cổng và ứng dụng DL thông minh An Giang tích hợp nhiều cơ sở dữ liệu về DL, gồm: Các điểm vui chơi giải trí, văn hóa, nghệ thuật; các công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng ẩm thực; các trung tâm mua sắm, trung tâm thể thao; các chỉ dẫn về giao thông liên quan đến lịch trình chuyến bay, tuyến xe buýt; các điểm thuê phương tiện giao thông; chỉ dẫn toàn bộ về TTHC.
Triển lãm và Hội thảo về chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2023
Đặc biệt, cổng thông tin còn tích hợp thêm công nghệ thực tế ảo (VR); các nội dung đa phương tiện, như: Hình ảnh, video, camera 360 độ; tích hợp bản đồ số, tìm kiếm bằng giọng nói, chuyển đổi ngôn ngữ, phản ánh thông tin, lịch trình cá nhân hóa… Với những tính năng này, du khách có thể quan sát những điểm DL An Giang một cách sống động qua màn ảnh nhỏ. Cơ sở dữ liệu trên cổng và ứng dụng được phân loại thành dữ liệu động và dữ liệu tĩnh để người dùng, đặc biệt là du khách, dễ dàng tra cứu và khai thác sử dụng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh cung cấp tổng số dịch vụ hành chính công (toàn bộ số lượng TTHC của tỉnh) là 2.135 dịch vụ. Đã thực hiện đồng bộ, tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thực hiện nhóm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong lĩnh vực y tế, toàn tỉnh hiện có 188/188 cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai tiếp nhận hồ sơ khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước thay thẻ bảo hiểm y tế, tỷ lệ tra cứu thực hiện thành công 2.423.428/2.951.892 lượt, đạt tỷ lệ 82,09%; 100% cơ sở lưu trú, chữa bệnh đã triển khai thực hiện thông báo lưu trú trực tuyến thông qua ứng dụng VNeID, Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc phần mềm ASM… Đã triển khai xác thực 1.626.938/1.661.286 dữ liệu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 97,93%. Về nhóm phục vụ phát triển công dân số, thực hiện công tác đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, đến ngày 18/8/2024, toàn tỉnh đã thu nhận và đăng ký 1.682.402 tài khoản, đạt tỷ lệ 163,85% và kích hoạt 1.115.782 tài khoản, đạt 108,67% so chỉ tiêu được giao.
Ngày 10/10 được chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, được tổ chức hàng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030. Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 được tổ chức với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Các hoạt động trong “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số” tập trung vào các lĩnh vực trụ cột của kinh tế số nhằm tạo ra giá trị phục vụ nhu cầu xã hội, để người dân được thụ hưởng những chính sách ưu đãi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. |
Thu Thảo