Sáng 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị chuyên đề về “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: VGP
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh An Giang
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh An Giang
Dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Chủ tịch, lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh An Giang do Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy chủ trì.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Trong chuyển đổi số, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Cả phía quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ công và phía đối tượng thụ hưởng, sử dụng dịch vụ công đều phải vận dụng chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất. Nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt và có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng.
Từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 quyết định, 5 chỉ thị chỉ đạo, điều hành để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. 63/63 địa phương đã ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, nhận thức và hành động về nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nhiều chuyển biến tích cực. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC tăng từ 90% năm 2022 lên 93% đến tháng 8/2024. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2022, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam xếp hạng 76/193, tăng 5 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp hạng 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020.
Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 TTHC; cung cấp thêm gần 1.800 dịch vụ công trực tuyến, đạt 4.400 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số TTHC. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình tăng từ 28% năm 2021 lên 51,5% vào tháng 8/2024.
Đặc biệt, đã triển khai 43/53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 43,4% (tăng 23% so năm 2023), của địa phương đạt 64,3% (tăng 35% so năm 2023).
Về quan điểm, định hướng thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ 1 mục tiêu, 2 trụ cột, 3 đột phá, 4 không và 5 tăng cường trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số quốc gia thông suốt, hiệu quả; tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
THU THẢO